Quy trình chiên trong công nghệ sản xuất mì ăn liền

Quy trình chiên trong sản xuất mì ăn liền diễn ra ở nhiệt độ cao (150-180°C) dẫn đến độ ẩm của vắt mì sau khi chiên được giảm xuống mức thấp nhất, giúp sản phẩm có thể bảo quản trong thời gian dài ở nhiệt độ phòng. Với kinh nghiệm của một kỹ sư tham gia sản xuất thực tế, lý thuyết về công nghệ chiên, các biến đổi và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chiên mì ăn liền sẽ được giải thích chi tiết trong bài viết này.

Quy trình chiên trong công nghệ sản xuất mì ăn liền
Quy trình chiên trong công nghệ sản xuất mì ăn liền

1. Mục đích của quá trình chiên

Chiên là một phương pháp chế biến thực phẩm phổ biến trong công nghiệp, nơi dầu hoặc mỡ đóng vai trò làm chất tải nhiệt và cũng là thành phần trong sản phẩm cuối cùng. Mục tiêu của quá trình chiên bao gồm:

– Mục tiêu chế biến: Quá trình chiên làm tăng giá trị dinh dưỡng của sản phẩm do hàm lượng chất khô tăng và sự hấp thụ dầu mỡ vào sản phẩm. Đồng thời, nó cũng tăng giá trị cảm quan cho sản phẩm với những đặc tính như: giòn, vị đặc biệt, màu đặc trưng, … Đây là kết quả của sự biến đổi các thành phần hóa học và cấu trúc vật lý của sản phẩm.

– Mục tiêu bảo quản: Do quá trình chiên được tiến hành ở nhiệt độ cao (120 tới 180°C), hầu hết các loại vi sinh vật đều bị tiêu diệt.

Mục đích của quá trình chiên - congbosanpham.com.vn

2. Các công nghệ chiên trong sản xuất thực phẩm

2.1. Công nghệ chiên ở áp suất thường

Với công nghệ chiên thực phẩm ở áp suất thường, có hai phương pháp cơ bản đó là chiên bề mặt và chiên bề sâu.

– Phương pháp chiên bề mặt:

Trong phương pháp này, thiết bị chiên có một mặt phẳng nằm ngang được gọi là bề mặt chiên, dầu chiên được đổ lên phía trên bề mặt chiên. Trong phương pháp này, chiều cao mức dầu trên bề mặt chiên sẽ thấp hơn chiều cao mẫu thực phẩm. Hiện nay, phương pháp chiên bề mặt ít được sử dụng trong sản xuất công nghiệp.

– Phương pháp chiên bề sâu:

Trong phương pháp này, toàn bộ sản phẩm cần chiên sẽ ngập trong dầu ở nhiệt độ cao, các thiết bị chiên bề sâu có thể hoạt động gián đoạn hoặc liên tục:

– Thiết bị chiên bề sâu gián đoạn: Thực phẩm cần chiên được cho vào bên trong các giỏ lưới, hệ thống sẽ nâng đặt các giỏ lưới vào nồi chiên, nhúng ngập dầu. Sau quá trình chiên, các giỏ lưới được lấy ra khỏi thiết bị và thực phẩm được lấy ra để làm nguội.

– Thiết bị chiên bề sâu liên tục: Thiết bị còn gọi là chảo chiên, dầu được cho vào đầy chảo, sản phẩm được ngập trong dầu chiên sẽ liên tục đi vào và ra khỏi chảo. Có hai phương pháp gia nhiệt chảo chiên:

+ Phương pháp thứ nhất: truyền nhiệt từ nguồn nhiệt tới đáy chảo, rồi từ đáy chảo truyền nhiệt tới dầu trong chảo, phương pháp gia nhiệt này ít được sử dụng.

+ Phương pháp thứ hai: sử dụng một thiết bị trao đổi nhiệt dạng ống để gia nhiệt dầu rồi bơm và hút liên tục ra vào chảo. Trong chảo chiên sẽ có băng tải có gắn các khuôn, chuyển động tuần hoàn để liên tục đưa sản phẩm ra và vào chảo, trong quá trình hoạt động, toàn bộ nguyên liệu cần chiên sẽ được ngập trong chảo. Hiện tại, trong công nghiệp sản xuất mì ăn liền, hầu hết các nhà máy đều sử dụng thiết bị chiên bề sâu liên tục theo phương pháp thứ hai.

2.2. Công nghệ chiên chân không

Khi chiên thực phẩm ở điều kiện chân không, sẽ hạn chế được sự tiếp xúc của oxy với dầu, do đó, hạn chế được sự hư hỏng do chất béo bị oxy hóa. Ngoài ra, trong điều kiện áp suất chân không, nhiệt độ chiên sẽ thấp hơn, từ đó sẽ hạn chế được những biến đối không mong muốn của sản phẩm do quá trình chiên ở nhiệt độ cao mang lại.

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục tự công bố mì ăn liền

3. Trong quá trình chiên vật liệu có những biến đổi gì?

Dưới tác dụng của nhiệt độ cao từ 150-180°C quá trình chiên làm cho sản phẩm có những biến đổi sâu sắc về tính chất vật lý, hóa học, sinh học, cảm quan,

3.1. Biến đổi về tính chất vật lý và cấu trúc vật liệu

Quá trình thay đổi tính chất vật lý và cấu trúc của vắt mì tại quá trình chiên gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: là khi nhiệt độ của vắt mì (sau phun dịch) thấp hơn nhiều so với nhiệt độ dầu chiên. Sản phẩm tăng nhiệt độ hướng tới cân bằng với nhiệt độ dầu. Ở giai đoạn này, dầu bắt đầu có hiện tượng thấm vào vắt mì.

Giai đoạn thứ hai: khi nhiệt độ đủ cao để làm thay đổi cấu trúc, thể tích của sản phẩm, nước trong mì bắt đầu bay hơi và dầu thấm vào nhanh hơn. Do bị mất nước nên cuối giai đoạn này vắt mì co lại, sản phẩm trở nên khô cứng, giòn.

3.2. Biến đổi về tính chất hóa học

Như đã biết, bột mì có chứa thành phần chính là cacbohydrate và protein. Ngoài ra, nó còn được trộn với nước nghệ và dịch kansui trong quá trình tạo hỗn hợp bột nhào. Sau khi hấp, sợi mì được phun dịch chứa nhiều thành phần gia vị như đường, muối.

Vì vậy, vắt mì sẽ có những biến đổi sâu sắc về màu qua phản ứng caramel hóa và melanoidin từ các acid amin và đường.

3.3. Biến đổi về chỉ tiêu vi sinh

Lượng vi sinh vật tổng số trước và sau quá trình chiên đã thay đổi rất rõ rệt từ 10^5 cfu/g về 10^3 cfu/g.

3.4. Biến đổi về giá trị cảm quan

Các tính chất cảm quan như màu, hương, vị đều thay đổi rõ rệt sau quá trình chiên. Trong đó, dầu chiên là thành phần quan trọng ảnh hưởng tới mùi của sản phẩm trong quá trình bảo quản.

4. Biến đổi của dầu trong quá trình chiên và các chỉ số đánh giá chất lượng của dầu chiên

4.1. Dầu có những biến đổi gì trong quá trình chiên

Trong quá trình chiên, dầu bị biến đổi đáng kể làm chất lượng của nó giảm dần, những biến đổi hóa học bao gồm: Thủy phân, sự oxy hóa, sự biến đổi do các yếu tố sinh – hóa.

Quá trình oxy hóa là quá trình xảy ra với sự có mặt của oxy không khí. Nhiệt độ càng cao thì quá trình xảy ra càng nhanh. Các sản phẩm được tạo thành do quá trình oxy hóa làm giảm chất lượng của dầu và của sản phẩm chiên, giảm khả năng bảo quản.
Quá trình oxy hóa dầu gồm: Quá trình tự oxy hóa, oxy hóa nhiệt, quá trình trùng hợp nhiệt.

4.1.1. Quá trình tự oxy hóa:

Đây là quá trình xảy ra trong dầu mỡ ngay cả ở nhiệt độ thường, khi có mặt của oxy không khí, tốc độ phản ứng ngày càng tăng do hiện tượng tự xúc tác của quá trình, vì vậy được gọi là quá trình tự oxy hóa.

Thành phần và cấu trúc phân tử của dầu ảnh hưởng nhiều tới tốc độ phản ứng tự oxy hóa, phân tử dầu càng nhiều nối đôi thì khả năng tự oxy hóa càng lớn và ngược lại.

Sản phẩm cuối cùng hoặc trung gian tạo thành từ phản ứng oxy hóa gồm alcohol, hợp chất epoxit, các aldehyde, ceton, các acid, ester và nhiều hợp chất khác. Những hợp chất này ảnh hưởng rất nhiều tới mùi của sản phẩm, là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng cảm quan của sản phẩm.

4.1.2. Quá trình oxy hóa nhiệt:

Đây là quá trình oxy hóa xảy ra ở nhiệt độ cao với sự tham gia của oxy không khí. Do phản ứng xảy ra ở nhiệt độ cao nên phản ứng diễn ra nhanh.

Kết quả của phản ứng oxy hóa bởi nhiệt:
– Chỉ số iod của dầu giảm do chất béo chưa bão hòa giảm.
– Chỉ số acid tăng do một số acid được giải phóng ra khỏi phân tử glycerides.
– Sản phẩm tạo thành một số phức hợp dễ bay hơi và phần lớn các polymer không bay hơi. Các phức hợp này tham gia vào sự hình thành hương vị và thay đổi giá trị dinh dưỡng của sản phẩm. Sự có mặt của nước trong dầu cũng là yếu tố xúc tiến quá trình oxy hóa, do vậy, vắt mì trước khi đi vào chiên phải được làm ráo dịch phun.

4.1.3. Quá trình trùng hợp nhiệt: Quá trình xảy ra khi đun nóng dầu ở nhiệt độ cao, trong môi trường không có không khí. Do phương pháp chiên sử dụng trong khi chiên mì là phương pháp chiên bề sâu liên tục ở môi trường có không khí nên phản ứng này không được giải thích rõ trong bài viết này.

4.2. Những chỉ số đánh giá chất lượng của dầu chiên

Chỉ số acid (AV) của dầu chiên:

Là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ oxy hóa của dầu và được tính bằng số mg KOH cần để trung hòa các gốc acid béo tự do trên mỗi gram dầu. Theo TCVN 5777:2004 mức AV cho phép đối với mì chiên là ≤ 2mg KOH/gram dầu.

Chỉ số peroxit (PoV):

Đây là giá trị đo lượng oxy liên kết hóa học với dầu hoặc mỡ dưới dạng các peroxit, đặc biệt là các hydroperoxit, được tính bằng lượng chất có trong mẫu làm oxy hóa kali iodua trên khối lượng mẫu thử trong điều kiện kiểm nghiệm. Chỉ số peroxit được biểu thi bằng số mili đương lượng oxy của peroxit trên 1000 gam mẫu (meq/kg).
Theo TCVN 5777:2004 mức PoV cho phép đối với mì chiên là ≤ 20 meq/kg.

5. Các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình chiên

Cấu trúc của sợi mì đóng vai trò quan trọng đối với sự ngấm dầu trong quá trình chiên, vì vậy chất lượng của bột mì cũng cần được chú ý trong quá trình này. Sự hấp mì sau khi được cán và tạo sợi là một bước không thể bỏ qua. Quá trình hấp đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến kết quả chiên sau này. Nếu không hấp đủ hoặc không hiệu quả, sợi mì sẽ không hồ hóa đầy đủ, dẫn đến sự ngấm dầu không đồng đều. Độ ẩm của sợi mì sau khi hấp thường dao động từ 35-40%.

Sau công đoạn hấp, mì đi qua công đoạn phun dịch, nơi mà các thành phần như muối, đường, bột ngọt… được phun lên để tăng thêm hương vị. Sau khi phun dịch, một phần dịch sẽ thấm vào sợi mì, trong khi phần còn lại cần được loại bỏ để tránh làm ảnh hưởng đến chất lượng dầu chiên. Sau công đoạn này là quá trình chiên mì.

Khi đổ mì vào khuôn để chiên, cần đảm bảo rằng mì được đổ một cách gọn gàng, tránh tình trạng vụn rơi vào chảo chiên, gây ra cặn chảo không mong muốn.

Quá trình chiên trong công nghệ sản xuất mì ăn liền
Hình 3: Máy cắt định lượng và đổ khuôn
Dầu chiên (Shorterning): là nguyên liệu sử dụng để chiên vắt mì và là thành phần của vắt mì thành phẩm. Do đó chất lượng của dầu, chế độ chiên (nhiệt độ chiên, thời gian chiên) cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của vắt mì thành phẩm.
Dầu shorterning có nhiệt độ nóng chảy từ 48 – 52°C đây là nhiệt đó khá cao nên sẽ giúp vắt mì sau khi chiên có bề mặt khô ráo.
Submit your review
1
2
3
4
5
Submit
     
Cancel

Create your own review

Công Bố Sản Phẩm | congbosanpham.com.vn
Average rating:  
 0 reviews