Nhờ Nghị định 15, số lượng giấy phép đã giảm đi 90%, và khối lượng kiểm tra cũng giảm đi 95%.

Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, nhờ Nghị định số 15 doanh nghiệp giảm được đáng kể về thời gian, chi phí cũng như rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh.

1. Cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm

Trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm (ATTP), trước năm 2018, các quy định được thực hiện dựa trên Luật ATTP (2010) và Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, chi tiết hóa một số điều của Luật ATTP. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của Nghị định số 38 đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây ra bất cập, tăng chi phí và thời gian, cũng như làm giảm cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp. Với Nghị định số 38, vai trò của quản lý nhà nước (QLNN) về ATTP chủ yếu tập trung vào kiểm tra trước, trong khi quản lý hậu kiểm lại được bỏ ngỏ

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh thực phẩm, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã kiến nghị từng bước tháo bỏ những bất cập trong quản lý về ATTP. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP thay thế Nghị định số 38. Nghị định số 15 được đánh giá là cải cách thể chế đột phá, thể hiện thay đổi căn bản trong tư duy về quản lý nhà nước, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

 Nhờ Nghị định 15, số lượng giấy phép đã giảm đi 90%, và khối lượng kiểm tra cũng giảm đi 95%.

Phát biểu tại Hội thảo “5 năm triển khai Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, Nghị định số 15 được đánh giá là điển hình cải cách về phương thức quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và hàng hoá. Sau 5 năm triển khai, các cơ quan thực thi và cộng đồng doanh ngiệp đánh giá cao những thay đổi của Nghị định số 15 và kỳ vọng điều này sẽ tạo tiền lệ tốt cho cải cách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Theo đó, Nghị định số 15 đã áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hoá; bổ sung các đối tượng được miễn kiểm tra; cải cách toàn diện QLNN về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu; phân cấp QLNN, khắc phục tình trạng quản lý chồng chéo, tầng nấc, trùng lặp; tạo sự linh hoạt, chủ động cho doanh nghiệp trong thực hiện TTHC…

Kết quả khảo sát của CIEM cho thấy doanh nghiệp được tiết giảm đáng kể về thời gian, chi phí và giảm rủi ro; có thêm cơ hội đa dạng hoá hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, số lượng doanh nghiệp ngành thực phẩm tăng lên nhanh chóng; tạo cơ hội việc làm, thu nhập cho hàng chục triệu lao động; và đóng góp quan trọng vào GDP và tăng trưởng của nền kinh tế. Về phía cơ quan QLNN, hoạt động hậu kiểm được tăng cường và thực hiện thường xuyên hơn. Cơ quan Hải quan được giảm tải áp lực thông quan; thời gian giải phóng hàng nhanh, đáp ứng yêu cầu thông quan theo các cam kết quốc tế.

Đặc biệt Nghị định số 15 được coi là cuộc cách mạng trong ngành thực phẩm khi áp dụng quản lý rủi ro và chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cụ thể là các thực phẩm có nguy cơ thấp (thực phẩm thường, thực phẩm bổ sung) doanh nghiệp được tự công bố và tự chịu trách nhiệm. Góp phần giảm 90% số giấy phép và tới 95% khối lượng kiểm tra nhà nước. Theo đánh giá của Bộ Y tế, thực hiện Nghị định số 15 tiết kiệm tới 8,5 triệu ngày công và 3.332,5 tỷ đồng/năm.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, với 12.000 doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm (đang hoạt động đến ngày 31/12/2021) thì quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí rất lớn. Đó là chưa tính tới các doanh nghiệp thương mại, NK sản phẩm thực phẩm.

2. Chú trọng hoạt động hậu kiểm

Mặc dù Nghị định 15 mang đến nhiều cải cách tích cực, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được hoàn thiện.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một số điểm cần cải thiện bao gồm:

+ Quy định chưa rõ ràng về tỷ lệ lô hàng nhập khẩu áp dụng phương thức kiểm tra giảm.

+ Thiếu nhất quán trong việc thực thi đối với sản phẩm là mẫu thử nghiệm.

+ Hiện tượng cán bộ địa phương yêu cầu doanh nghiệp bổ sung giấy tờ nhiều lần, thậm chí vượt ra ngoài quy định.

+ Nghị định chưa quy định về đăng ký các thực phẩm nhập khẩu có chứa phụ gia mới.

Việc hoàn thiện Nghị định 15 là cần thiết để đảm bảo tính hiệu quả và đồng bộ trong quản lý an toàn thực phẩm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Vì vậy, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) cho rằng, cần duy trì và phát huy những cải tiến của Nghị định số 15; nghiên cứu áp dụng nhân rộng cách tiếp cận quản lý này sang các lĩnh vực quản lý nhà nước khác.

Hơn nữa, cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung vào việc thực hiện hoạt động hậu kiểm một cách chặt chẽ. Đồng thời, họ cần thúc đẩy giám sát và nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong quá trình thực thi luật, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc kết thúc tình trạng yêu cầu doanh nghiệp phải bổ sung hồ sơ ngoài quy định hoặc đưa ra yêu cầu mơ hồ và không rõ ràng cũng là điểm cần được chú ý. Đặc biệt, quan trọng là phải đảm bảo tính ổn định của chính sách, không đề xuất hoặc ban hành các quy định mới tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh và tuân thủ pháp luật không cần thiết cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số quy định cụ thể của Nghị định số 15 cũng cần được xem xét một cách cẩn thận.

Submit your review
1
2
3
4
5
Submit
     
Cancel

Create your own review

Công Bố Sản Phẩm | congbosanpham.com.vn
Average rating:  
 0 reviews