- 27 April, 2021
- Posted by: phúc nguyễn
- Category: Tin tức
Ngày 20.4.2021 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về vệ sinh an toàn thực phẩm tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2021. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh.
Năm 2020, toàn tỉnh Hưng Yên đã tổ chức 772 buổi nói chuyện, 279 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm (ATTP) cho 76.127 lượt người; thành lập 399 đoàn kiểm tra, giám sát về ATTP, phạt tiền và tiêu hủy sản phẩm tại 228 cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 217 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…
Năm 2021, các cấp, các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, chú trọng đến đối tượng hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về ATTP. Triển khai xây dựng, áp dụng công nghệ thông tin đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm. Tăng cường biện pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tiên tiến, tập trung… Đẩy mạnh việc xây dựng mô hình liên kết vùng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn; mô hình điểm về ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống. Tăng cường công tác lấy mẫu hậu kiểm, giám sát đối với các thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm; củng cố hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm…
Tại hội nghị đã triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2021 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới” được diễn ra từ ngày 15.4 đến 15.5.2021
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh yêu cầu: Cần định lượng khái quát nhu cầu của người dân về thực phẩm và khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân; đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến ATTP, bếp ăn ATTP; các sở, ngành phối hợp với các địa phương đánh giá và chấn chỉnh các cơ sở giết mổ động vật, gia súc, gia cầm vi phạm ATTP, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng; tăng cường thanh tra, kiểm tra về ATTP, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP; các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác ATTP trên địa bàn; xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh, bếp ăn tập thể ATTP trong doanh nghiệp; công khai trên các phương tiện truyền thông các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm làm tốt cũng như cơ sở có vi phạm quy định về ATTP.