Theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm cũng như tại các nghị định, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong các siêu thị, siêu thị mini được quy định rõ, bao gồm:

– Tất cả hàng thực phẩm bày bán trong siêu thị phải có nguồn gốc an toàn.

– Tất cả hàng thực phẩm bày bán trong siêu thị phải có nhãn mác theo quy định.

– Không được bày bán hàng thực phẩm giả, quá hạn sử dụng, kém chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng thực phẩm ô nhiễm hư hỏng biến chất.

– Phải bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm về cơ sở, thiết bị dụng cụ có liên quan đến chế biến và kinh doanh thực phẩm trong siêu thị.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Rau sạch được bày bán tại siêu thị. Ảnh: TTXVN

 

– Nhân viên làm dịch vụ thực phẩm trong siêu thị phải được khám sức khỏe, có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt vệ sinh cá nhân.

– Tuyệt đối không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế.

– Phải có đủ thiết bị bảo quản và thực hiện đúng chế độ bảo quản thực phẩm.

– Phải có đủ nhà vệ sinh, bồn rửa tay cho khách.

– Quy hoạch, sắp xếp bố trí trong siêu thị phải theo nguyên tắc ngành, hàng và cách biệt giữa khu vực thực phẩm và phi thực phẩm, khu chế biến thực phẩm và khu bày bán thực phẩm, khu vực thực phẩm chín và thực phẩm sống, khu dịch vụ ăn uống và các khu vực khác.

– Khu dịch vụ ăn uống phải bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

– Phải có đủ nước sạch sử dụng trong siêu thị.

Các siêu thị, siêu thị mini phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để kinh doanh. Trước 6 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hạn, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nộp hồ sơ xin cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có giá trị 3 năm kể từ ngày cấp.

Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT/Hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm quy định rõ: Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên trong đó có sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý.

Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý.

Đối với cơ sở kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 bộ trở lên (bao gồm cả chợ và siêu thị) thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý trừ chợ đầu mối, đấu giá nông sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

Với các siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi là mô hình kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm, nếu có kinh doanh một trong các mặt hàng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương thì do Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý và cấp giấy phép An toàn thực phẩm