- 26 April, 2021
- Posted by: phúc nguyễn
- Category: Tin tức
Sáng 20/4/2021 tại Hà Nội, báo Điện tử Đảng cộng sản đã tổ chức chương trình Giao lưu trực tuyến “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm”. Cuộc giao lưu nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời, tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường sự vào cuộc của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền nhằm chung tay hành động vì an toàn thực phẩm.
Tham dự buổi giao lưu có sự tham gia của PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương). Đến dự Giao lưu trực tuyến hôm nay còn có đại diện các vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các vụ/cục của: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, đại diện các cơ quan báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Phát biểu khai mạc TS. Trần Doãn Tiến – Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết “An toàn thực phẩm (ATTP) có tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển đất nước ta; trở thành thách thức an ninh phi truyền thống.
Chính vì vậy, trong những năm qua, vấn đề ATTP luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ban hành Luật, Chỉ thị và các văn bản pháp quy như: nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đến vấn đề ATTP.
Đặc biệt, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12. Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2011.
Ngày 21/10/2011, Ban Bí thư khóa XI đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới (Chỉ thị 08).
Ngày 19/1/2017, Ban Bí thư ra Kết luận số 11-KL/TW, về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới nêu rõ: “Bảo đảm ATTP là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, trước hết là của người đứng đầu; là chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hằng năm ở các cấp. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và từng hộ gia đình, từng người dân cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ này”.
Đến nay, sau hơn 9 năm thực hiện Chỉ thị 08, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ATTP đã chuyển biến tích cực. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm ATTP có tiến bộ, đạt được những thành tích quan trọng trên các lĩnh vực.
Công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới khi những năm vừa qua, chúng ta đã phát triển mạnh mẽ các mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch theo VietGAP, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm…
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về ATTP vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của cả người dân, doanh nghiệp và các cấp chính quyền về ATTP còn có phần hạn chế. Trong đó, phải kể đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận không tính đến quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng.
Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhu cầu, phương thức mua sắm của người dân thay đổi, việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe “online” vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng; việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả còn hạn chế, khó quản lý, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội.
Điều đáng báo động là mặc dù dư luận xã hội và báo chí đã lên tiếng cảnh báo, các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, xử lý nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn gia tăng, gây nhức nhối trong xã hội. Trong khi đó, phần lớn vụ việc vi phạm ATTP chỉ bị xử lý vi phạm hành chính, nên chưa đủ sức răn đe. Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta…
Chỉ tính riêng trong năm 2020, toàn ngành Y tế đã kiểm tra 406.278 cơ sở, phát hiện 58.317 cơ sở vi phạm về ATTP, xử lý 10.077 cơ sở với tổng số tiền phạt là 48,6 tỷ đồng.
Ngành Nông nghiệp đã kiểm tra 40.036 cơ sở, xử phạt hành chính 2.737 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp ATTP nông, lâm, thủy sản với số tiền phạt là 19,1 tỷ đồng.
Đến tháng 10.2020, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thanh tra, kiểm tra 12.240 vụ, xử lý 7.158 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt hành chính 27,9 tỷ đồng và thu giữ số hàng hóa trị giá hơn 28,5 tỷ đồng.
Trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3.094 người mắc và 30 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số ca mắc so với năm trước. Đặc biệt, số vụ ngộ độc thực phẩm độc hại ở khu công nghiệp, trường học, đám cưới, đám giỗ và tại gia đình gia tăng.
Trong quý I năm 2021, toàn quốc ghi nhận 20 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người mắc và 3 trường hợp tử vong, tăng cả số vụ và số người mắc so với cùng kỳ năm trước.
Những con số trên cho thấy tình trạng mất ATTP, ngộ độc thực phẩm đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, tiếp tục là vấn đề bức xúc, lo lắng trong toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân, đến giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước. Tình trạng ngộ độc thực phẩm và nhiễm độc thực phẩm đang ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Có nhiều người tử vong vì sử dụng thực phẩm không đảm bảo an toàn mà gần đây nhất là vụ patê Minh Chay, gây bức xúc, hoang mang trong dư luận (patê này bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum type B, là loại vi khuẩn kỵ khí có độc lực mạnh, ảnh hưởng kéo dài đến sức khỏe, có nguy cơ gây tử vong).
Đặc biệt, tỷ lệ bệnh ung thư ngày càng gia tăng, trong đó có nguyên nhân từ thực phẩm bẩn đang gây nên sự lo lắng trong xã hội.
Rất đáng lo ngại là sự lo lắng luôn hiện hữu thường trực trong mỗi người dân, mỗi gia đình. Đó là sự ám ảnh, lúc nào cũng canh cánh không biết ăn gì, mua gì ở đâu. Ra chợ, ra siêu thị là ám ảnh, cảnh giác cao độ nếu không sẽ bị dính thực phẩm bẩn, thịt nhập khẩu không rõ nguồn gốc, rau bị phun thuốc trừ sâu…
Nhằm góp phần thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến đông đảo cán bộ, đảng viên, người dân về sự cần thiết của công tác bảo đảm ATTP nói chung và hưởng ứng Tháng hành động vì ATTP năm 2021 nói riêng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Chung tay hành động vì an toàn thực phẩm”.
Để buổi giao lưu thành công tốt đẹp, Ban Tổ chức trân trọng đề nghị các Quý vị khách mời trao đổi trên tinh thần khoa học, cởi mở tập trung vào số nội dung sau:
1. Vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm.
2. Công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu nhằm giảm thiểu ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Nghiên cứu bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm và đưa tin sai sự thật, không chính xác về an toàn thực phẩm.
4. Các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP; Bảo vệ quyền cơ bản của con người là được tiếp cận thực phẩm an toàn; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong thực thi pháp luật trong lĩnh vực này”.
Sau đây là nội dung phần câu hỏi và trả lời chi tiết của các vị khách mời tham dự buổi tọa đàm giao lưu trực tuyến.
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tham dự buổi tọa đàm
Nhà báo Đỗ Thoa: Kính thưa Quí vị, chúng tôi xin được bắt đầu buổi giao lưu với câu hỏi đầu tiên dành cho cả 3 vị khách mời. Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”, xin các vị khách mời cho biết, đến nay Kế hoạch này đã được triển khai như thế nào và xin cho biết một số kết quả sơ bộ?
Đồng chí Nguyễn Thanh Phong: Rõ ràng chúng ta thấy công tác an toàn thực phẩm luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp và người dân hết sức quan tâm, từ đó đưa ra chính sách chỉ đạo điều hành về an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn gây nhiều bức xúc. Mong mỏi của người dân là được sử dụng thực phẩm an toàn là mong muốn hết sức chính đáng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, công tác an toàn thực phẩm cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chúng tôi mong muốn các phương tiện truyền thông bên cạnh việc phê phán cũng cần dành nhiều thời gian nói về những kết quả đã đạt được.
“Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2021 với chủ đề: “Đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong tình hình bình thường mới”. Trước hết, hiện nay, kế hoạch mới bắt đầu được triển khai từ ngày 15/4 và đến ngày 15/5. Hiện nay, các hoạt động tuyên truyền đã được thực hiện. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan báo chí truyền tải thông điệp, nội dung chính từ cách đây 1 tháng. Tại các địa phương, các huyện, xã,… chỉ mới bắt đầu triển khai tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra… Chúng ta mới chỉ bắt đầu “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” được 5 ngày nên kết quả chưa được tổng hợp. Đến 25/5 hàng năm (sau khi kết thúc 10 ngày Tháng hành động) thì các tỉnh mới tập hợp báo cáo và chúng tôi sẽ công bố sau.
Chúng ta chọn chủ đề này vì như đã biết, năm 2020 và đặc biệt là năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp tại trong và ngoài nước. Dù Việt Nam được đánh giá cao trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 nhưng diễn biến rất phức tạp và nguy cơ còn cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúng ta cần sản xuất, kinh doanh thực phẩm khác với giai đoạn trước đây. Trước đây, một cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh thực phẩm càng đông khách càng tốt, nhưng trong tình hình hiện nay cần hạn chế tụ tập đông người. Ví dụ: Một quán ăn đòi hỏi phục vụ 100 người thì với tình hình bình thường mới không nên tập trung đông người; hoặc như các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trước đây ngồi sát nhau thì nay nên bố trí theo ca; trước phân phối thực phẩm trực tiếp thì nay chuyển sang bán online… nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người bán và người tiêu dùng.
Chủ đề năm nay là đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình bình thường mới. Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một vấn đề chúng ta đã quan tâm và các doanh nghiệp cũng đã có ý thức trách nhiệm trong vấn đề này. Trong tình hình mới, bên cạnh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì các doanh nghiệp là nơi tập trung rất đông công nhân. Việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là hết sức quan trọng. Cho nên các doanh nghiệp bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải triển khai rất nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản bên cạnh việc tiếp tục nghiêm túc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải nghiêm túc thực hiện tất cả những hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh trong sản xuất, chế biến, thực phẩm.
Các quý vị có thể tưởng tượng xem, nếu mà có một công nhân nào đó trong lĩnh vực thực phẩm mà bị nhiễm COVID-19 thì không hiểu là sự việc sẽ như thế nào, rất nguy hiểm. Bên cạnh việc đã có văn bản chỉ đạo thì trong tháng này, chúng tôi cũng đã có văn bản gửi đến các cơ quan, các địa phương để hướng dẫn triển khai tháng hành động này. Và thực ra thì ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có hướng dẫn triển khai công tác hậu kiểm đối với các địa phương và trong tháng này tập trung vào 2 nội dung là tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm .
Tôi cho rằng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hôm nay tổ chức các cuộc giao lưu này là một khởi đầu hết sức tuyệt vời cho tháng hành động về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về phía Bộ Công Thương, ngay sau khi nhận được Kế hoạch số 26 ngày 9/3/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về việc triển khai Tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2021, Bộ Công Thương đã có Kế hoạch số 01 ngày 16/3/2021 về việc xây dựng kế hoạch hoạt động của ngành Công Thương thực hiện Tháng An toàn thực phẩm, thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch 265 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương và Kế hoạch của Bộ Công Thương. Chúng tôi được Ban chỉ đạo giao cho chủ trì 2 Đoàn thanh tra, hậu kiểm là Đoàn số 5 và Đoàn số 6 thực hiện kiểm tra tại các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Nam Định, Thái Bình.
Theo chương trình, nội dung trong Kế hoạch, Đoàn sẽ kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 34 ngày 11/12/2014 của Thủ tướng về việc đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới và các Chỉ thị số 17 ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, đặc biệt là Chỉ thị số 17 ngày 13/4/2020 về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Từ đó có thể khẳng định, Bộ Công Thương đã thực hiện ngay Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương nhân Tháng hành động về an toàn thực phẩm năm 2021.
Nhà báo Đỗ Thoa: Một số bạn đọc ở các địa chỉ: kimgiang1982@gmail.com; duongvietanh1080@yahoo.com; doanchihieu.hnvn@gmail.com hỏi: Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành năm 2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm đã quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau 3 năm thực hiện Nghị định này, các Bộ có gặp vướng mắc gì trong quá trình triển khai và phối hợp thực hiện? Về câu hỏi này, xin mời đại diện của 3 Bộ cùng trả lời câu hỏi của bạn đọc.
Đồng chí Nguyễn Việt Tấn: Thưa Quý độc giả, từ ngày 2/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung và của ngành Công Thương nói riêng được trao thêm quyền tự chủ, tự giác áp dụng các quy định về quản lý an toàn thực phẩm thông qua hoạt động cải cách hành chính quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; đặc biệt là xã hội hóa dịch vụ hành chính công.
Để đảm bảo triển khai một cách hiệu quả và thống nhất các quy định mới về công tác an toàn thực phẩm từ khi Nghị định 15 ra đời, Chính phủ, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, đặc biệt là các Sở Công Thương, các địa phương thực hiện các nội dung theo Nghị định số 15. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 43 quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, trong đó đề xuất đến một số nội dung.
Thứ nhất, việc cấp và thu hồi Giấy chứng nhận đủ cơ sở, đủ điều kiện về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm.
Thứ hai, các cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu.
Thứ ba, chỉ định các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước, cơ sở kiểm nghiệm, kiểm chứng.
Thứ tư, công tác thu hồi và xử lý sau thu hồi đối với những thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện thì Bộ Công Thương đã nhận được rất nhiều các kiến nghị của các địa phương, đặc biệt là Sở Công thương các tỉnh, thành phố, của các ban quản lý về an toàn thực phẩm.
Ở các địa phương, việc thực hiện Nghị định số 15 cũng đã được thực hiện nhanh chóng, hướng dẫn bằng nhiều hình thức như các văn bản như các hội nghị, hội thảo giải đáp hướng dẫn thắc mắc một cách kịp thời.
Thông qua việc thực hiện Nghị định 15 của Luật An toàn thực phẩm, tôi thấy rằng trách nhiệm của nhà nước, của các bộ được quy định rất rõ.
Đồng chí Nguyễn Như Tiệp: Vừa rồi, các anh Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Việt Tấn đã nói rõ về Nghị định 15 rồi, tôi chỉ thêm một số ý thế này.
Thực sự ra, Nghị định 15 thay thế Nghị định 38 như anh Phong nói là đã cập nhật tiệm cận hài hòa với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tăng trách nhiệm và quyền hạn, của doanh nghiệp. Doanh nghiệp được quyền tự công bố và doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm với nội dung mình đã công bố.
Tại Điều 36 trong Nghị định này chỉ đưa ra 10 nguyên tắc vàng trong phân công quản lý nhà nước, theo tôi là rất khoa học, đầy đủ và khả thi.
Bên cạnh đó, như anh Phong nói là 3 điều (8, 9, 10) rất cụ thể và cho doanh nghiệp được quyền lựa chọn cơ quan quản lý tiến bộ, tức là nếu mà doanh nghiệp sản xuất nhiều các mặt hàng mà không xác định được các mặt hàng nào đó, sản lượng, khối lượng bao nhiêu, doanh nghiệp có thể thoải mái chọn Bộ Công Thương hay Bộ Y tế, hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, doanh nghiệp tuân thủ nguyên tắc nếu sai phải chịu trách nhiệm.
Đấy là việc đổi mới phương thức quản lý và phân công. Tôi muốn nhấn mạnh một điều, đó là đã phân công thì cố gắng làm sao cho cụ thể và rõ ràng. Tuy nhiên không bao giờ là không có miền giao thoa giữa hai bên. Các anh Nguyễn Việt Tấn, Nguyễn Thanh Phong và tôi đều là tổ viên của tổ công tác giúp việc cho Ban chỉ đạo ngành. Khi gặp vấn đề gì vướng mắc hay cần thống nhất hành động sẽ phối hợp rất nhịp nhàng. Tức là phân công thì rõ ràng và phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng.
Ngoài ra, Bộ Công an (CO5) cũng phối hợp với chúng tôi rất tốt để triển khai Nghị định này. Ví dụ như khi gặp vụ việc nhập lậu hay là các vi phạm sử dụng chất cấm, đương nhiên là chúng tôi nếu không có sự hỗ trợ của các đồng chí bên Công an cũng rất là khó. Cần phải có sự tập huấn và nghiệp vụ của lực lượng Công an điều tra, phối hợp với chúng tôi thì mới phát hiện, xử lý được.
Đồng chí Nguyễn Như Tiệp: Như lúc nãy tôi có chia sẻ với các bạn, đối với sản xuất, kinh doanh thực phẩm thì từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến bây giờ vẫn còn đang rất phức tạp, là một thách thức rất lớn, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng. Do đó, chúng ta không chỉ tăng cường kiểm soát nhập khẩu mà còn phải phối hợp chặt chẽ với các nước nhập khẩu để không làm ngừng trệ quá trình xuất khẩu của chúng ta. Trong năm 2020 và quý I năm 2021, việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chúng ta không những không giảm mà có gia tăng. Năm 2020, chúng ta đã xuất khẩu đạt mức kỷ lục là 41,25 tỷ đồng, tăng so với năm 2019. Trong khi rất nhiều nước bị đình trệ về nguồn thực phẩm thì chúng ta vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Bộ Y tế và Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ đảm bảo không những về nguồn, về chất lượng mà còn cả về an toàn. Và cũng chưa có một cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nào mà có người làm việc tại đó mà bị nhiễm COVID-19. Chúng ta phải rất hạnh phúc vì điều đó.
Tôi cũng không tưởng tượng được nếu có một ai đó hay một cơ sở thực phẩm nào đó có 3.000 – 4.000 nghìn người mà bị “dính” COVID-19 thì sẽ như thế nào. Vừa rồi ở Hải Dương rất may là không phải cơ sở chế biến thực phẩm, nếu không sẽ rất phức tạp. Đối với nhập khẩu thì cũng vậy. Các lực lượng của Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y khi kiểm soát thực phẩm nhập khẩu cũng tiếp tục duy trì những hoạt động để đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm nhập.
Tuy nhiên, theo chỉ đạo Bộ Y tế thì chúng tôi cũng tham gia để đánh giá nguy cơ, cũng tổ chức lấy mẫu. Chúng tôi lấy hơn 271 mẫu bao bì để gửi phòng kiểm nghiệm xem là có nguy cơ COVID-19 lây lan qua bao bì không và xin báo cáo kết quả là không có. Cho nên chúng ta yên tâm là nguy cơ lây lan của COVID-19 qua thực phẩm đông lạnh, qua bao bì đến thời điểm hiện tại là không
Nhà báo Đỗ Thoa: Bạn đọc Vũ Anh (TP. Hồ Chí Minh); Ngọc Thanh (Đà Nẵng) hỏi: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhu cầu và phương thức mua sắm của người dân có những thay đổi. Nhiều người chọn cách đặt hàng thực phẩm online, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Về phía cơ quan chức năng đã có hình thức quản lý phù hợp với loại hình này hay chưa? Câu hỏi này xin được gửi đến đồng chí Nguyễn Việt Tấn?
Đồng chí Nguyễn Việt Tấn:
Như các bạn đã biết, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, nhiều người dân đã chọn nhiều hình thức mua sắm khác các loại hình truyền thống.
Đáp ứng nhu cầu này, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã xây dựng các kế hoạch rà soát sàn thương mai điện tử như: Shopee, chotot,…. Việc rà soát này đã phát hiện 16 gian hàng không theo quy định và Cục Quản lý thị trường đã xử lý.
Tháng 5/2020, Cục Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương đã phối hợp Cục Quản lý thị trường, cơ quan quản lý thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh rà soát các website thương mại điện tử và phát hiện ra 14.300 sản phẩm thực phẩm chức năng không có phụ nhãn bằng tiếng Việt, không có hóa đơn chứng từ và xử lý theo quy định.
Các cơ quan chức năng của Bộ Công thương đã thực hiện tốt vai trò quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử trong mua bán hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng. Trong điều kiện đại dịch COVID-19 như hiện nay, khi người dân thay đổi phương thức mua hàng cho phù hợp với tình hình mới, tôi nghĩ rằng, Bộ Công thương cũng thực hiện tốt vai trò của mình trong việc quản lý các hình thức thương mại điện tử.
Nhà báo Đỗ Thoa: Thưa đồng chí Nguyễn Như Tiệp, nhiều ý kiến nhận định hiện nay người tiêu dùng vẫn còn tâm lý “sính” dùng thực phẩm ngoại vì cho rằng tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn các sản phẩm sản xuất trong nước. Quan điểm của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Như Tiệp:
Câu hỏi này tôi cũng đã nhận được cách đây mấy năm nhưng bây giờ thì có lẽ khác đi rồi. Chúng ta cũng đều là người tiêu dùng cả, đặc biệt là các chị em. Tôi cho rằng tâm lý sính ngoại thì không phải chỉ là thực phẩm mà kể cả các mặt hàng khác: Điện máy, mỹ phẩm… thì cũng vẫn có câu chuyện đấy, nhưng thực phẩm thì có đặc thù hơn một chút. Chúng ta biết rằng là tại sao mà nhiều người vẫn nghĩ rằng thực phẩm nhập khẩu tốt hơn thực phẩm sản xuất trong nước, một phần là do thông tin truyền thông chúng ta không tới.
Thứ nhất, cũng phải khẳng định như anh Nguyễn Việt Tấn nói, trong thời gian gần 10 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm thì an toàn thực phẩm mặc dù còn một số vấn đề nhưng đã được cải thiện rõ nét. Đây là nhận định của Ban Chỉ đạo chuyên ngành về an toàn thực phẩm với những con số rất cụ thể.
Thứ hai, riêng các sản phẩm thực phẩm nông, lâm, thủy sản trong 5 năm gần đây, nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào; có rất nhiều sản phẩm vừa an toàn, chất lượng cao, bao gói mẫu mã rất đẹp, không thua kém gì so với thực phẩm nhập khẩu, ví dụ như: Thịt mát của Masan, các loại sản phẩm của Đồng Giao… Bây giờ chúng ta vào siêu thị sẽ thấy rất nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm chất lượng cao, bao bì đẹp. Lát nữa, anh Nguyễn Việt Tấn có thể thông báo là bây giờ tỉ trọng hàng thực phẩm nội địa bán trong các siêu thị càng ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy là người tiêu dùng tin dần hơn vào nông sản, thực phẩm trong nước.
Thực phẩm trong nước không chỉ an toàn mà còn ngon, bởi vì Việt Nam nằm trải dài trên 17 vĩ độ, có rất nhiều vùng, kiểu khí hậu khác nhau. Nhiều sản phẩm nông sản đặc sản rất ngon. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình mỗi xã 1 sản phẩm, đến giờ có hơn 4.000 sản phẩm OCOP, đặc sản, rất ngon, bao bì rất đẹp.
Vì vậy, tôi cho rằng, thứ nhất là phải tổ chức sản xuất an toàn chất lượng; thứ hai là ngành Công thương có kênh phân phối ngày càng phong phú; thứ ba là, chúng ta tuyên truyền, thông tin cho người tiêu dùng biết các địa chỉ bán sản phẩm. Nếu vậy, tôi cho rằng tỉ lệ hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng sẽ ngày càng nâng cao.
Nhà báo Đỗ Thoa: Đồng chí Nguyễn Việt Tấn có bổ sung gì không ạ?
Đồng chí Nguyễn Việt Tấn: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của anh Tiệp và cũng xin có ý kiến thêm. Công nghiệp chế biến thực phẩm của chúng ta hiện nay đã có bước phát triển nhanh trong thời gian vừa qua và nhiều sản phẩm thực phẩm trong nước đã có chất lượng rất tốt, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng rất tin tưởng.
Tuy nhiên, đúng là có thực tế ở đâu đó như nhà báo vừa nêu cũng như chia sẻ của anh Tiệp thì cũng có một vài bộ phận người tiêu dùng có tâm lý, thói quen muốn dùng hàng nhập ngoại. Nhưng chúng tôi nghĩ không hẳn. Việc đó là vì một bộ phận người tiêu dùng cho rằng sản phẩm nhập ngoại có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn sản phẩm trong nước; đồng thời, thực chất là các sản phẩm trong nước của chúng ta, đặc biệt là sản phẩm của các doanh nghiệp có uy tín cũng có chỗ đứng không nhỏ với người tiêu dùng.
Anh Tiệp vừa mới đưa ra một số thông tin liên quan đến các sản phẩm OCOP; cũng còn có một số sản phẩm sữa của Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, hay một số các sản phẩm sữa của Công ty cổ phần sữa TH thì người tiêu dùng của chúng ta đã sử dụng với tỷ lệ rất cao và đặc biệt là đối tượng sử dụng được mở rộng. Nhiều đối tượng sử dụng các sản phẩm này thì khẳng định là sản phẩm trong nước của chúng ta cũng đang có vị thế, có vị trí, sự tin tưởng đối với người tiêu dùng.
Nhà báo Đỗ Thoa: Mời đồng chí Nguyễn Thanh Phong bổ sung thêm ạ?
Đồng chí Nguyễn Thanh Phong:
Thời gian qua, bên cạnh những sản phẩm nhập khẩu thì chúng ta là nước xuất khẩu rất lớn. Nhiều nhóm sản phẩm, nông sản xuất khẩu đến nhiều quốc gia yêu cầu về thực phẩm rất khắt khe, nhưng họ đều chấp nhận sử dụng sản phẩm của chúng ta. Đây là điều mà chúng tôi rất mong các nhà báo chia sẻ thông tin. Điển hình như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, EU đều nhập sản phẩm thực phẩm của chúng ta. Ví dụ như gạo vừa rồi chúng ta hiện đứng TOP đầu rồi chứ không phải là thứ hai nữa rồi. Thủy sản chúng ta xuất khẩu rất lớn; cà phê, chè, hồ tiêu… là những thế mạnh và rất nhiều quốc gia phải nhập của chúng ta.
Ở đây vấn đề chúng ta cũng phải nói thêm: Một là, tuyên truyền để người tiêu dùng thấy rằng sản phẩm chúng ta cũng rất tốt, nhiều nước điều kiện kinh tế phát triển yêu cầu khắt khe đã sử dụng; Hai là, cũng phải nói thêm là khâu chế biến của thị trường. Với nhiều sản phẩm chúng ta vẫn chưa làm được thị trường chế biến và đặc biệt là thị trường phân phối, thành ra chúng ta bán nguyên liệu thô. Người ta chỉ mua nguyên liệu, xây dựng thương hiệu của họ mà người ta bán quay trở lại Việt Nam. Đây cũng là vấn đề mà chúng ta cũng phải suy nghĩ.
Tôi có dịp dẫn một anh bạn Pháp đến Đồng bằng Sông Cửu Long, sau đó mời ăn quả mít của chúng ta. Anh bạn này nhận xét đã đi rất nhiều nước rồi mà chưa được ăn quả gì ngon như quả mít của Việt Nam. Đấy là một sự thật. Như vậy, về thực phẩm, nông sản của chúng ta, thì bên cạnh những vấn đề còn tồn tại, chúng ta cũng có thế mạnh rất lớn.
Nhà báo Đỗ Thoa: Quả thật, câu chuyện mua gì, mua ở đâu và ăn gì, ăn ở đâu cho an toàn luôn là câu hỏi thường trực của mỗi người dân Việt Nam. Chúng tôi nhận được câu hỏi từ bạn đọc có địa chỉ email: hoahoabkt@gmail.com: Hiện nay ở một số thành phố lớn có nhiều chuỗi cửa hàng đề biển tên là thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Tuy nhiên tôi băn khoăn những sản phẩm trong các cửa hàng này liệu có bị trà trộn, có thực sự sạch và đảm bảo an toàn hay không? Vậy, cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát, quản lý chất lượng đối với các cửa hàng này? Câu hỏi này xin được gửi tới đồng chí Nguyễn Như Tiệp và đồng chí Nguyễn Việt Tấn.
Đồng chí Nguyễn Như Tiệp: Vâng, tôi xin có ý kiến trước, sau đó anh Tấn sẽ trả lời câu hỏi này cho đầy đủ.
Tôi nghĩ rằng, cửa hàng kinh doanh thực phẩm gồm nhiều mặt hàng khác nhau, các nhóm sản phẩm của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng nếu một cửa hàng có biển hiệu thì sẽ do Bộ Công Thương quản lý. Nghị định số 15 quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ cửa hàng treo biển hiệu.
Tôi nghĩ rằng, doanh nghiệp có quyền được tự công bố, quảng bá sản phẩm của mình. Nhưng nếu cơ quan nhà nước qua kiểm tra, giám sát thị trường mà phát hiện ra vi phạm (có thể do hồ sơ truy xuất nguồn gốc, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không chứng minh được các sản phẩm đó là từ vùng an toàn, từ cơ sở được công nhận an toàn hoặc lấy mẫu kiểm nghiệm vượt ngưỡng công bố trước đó) thì đương nhiên bị xử phạt.
Về câu chuyện treo biển hiệu của cửa hàng, bên cạnh việc truyền thông để phổ biến quy định của pháp luật đối với những đối tượng sản xuất kinh doanh thì chúng ta phải thanh tra, kiểm tra. Thực té chúng ta đã thanh tra, kiểm tra, đã xử lý vi phạm. Cho nên tôi nghĩ rằng, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm giám sát để đảm bảo rằng doanh nghiệp không bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Đồng chí Nguyễn Việt Tấn: Trước hết, xin cảm ơn ý kiến của anh Tiệp đã trao đổi rất rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp, của cá nhân kinh doanh thực phẩm, công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 15. Đúng như anh Tiệp nói, như ban đầu anh Phong cũng đã trao đổi với bạn đọc về Nghị định số 15, Nghị định đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình. Cơ quan quản lý nhà nước trước đây là tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm, giám sát thông qua việc đánh giá chất lượng các chỉ tiêu. Việc các cửa hàng có công bố các biển hiệu về sản phẩm của mình thì trước hết họ phải tự chịu trách nhiệm những sản phẩm đó.
Về góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương có lực lượng quản lý thị trường, hay một số lực lượng chức năng khác liên quan đến các Bộ khác như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an thì cũng sẽ có trách nhiệm giám sát việc doanh nghiệp có thực hiện đúng, đủ các quy định theo Nghị định số 15 hay không? Về chất lượng sản phẩm có đúng với công bố hay không? Mặt khác, trong Luật An toàn thực phẩm cũng như Nghị định số 15 đã quy định rất đầy đủ về trách nhiệm của các Bộ, ngành và đặc biệt là trách nhiệm của các cấp ủy, địa phương, chính quyền.
Nếu tôi nhớ không nhầm thì ở Điều 65 Luật An toàn thực phẩm, Điều 40 của Nghị định số 15 đã quy định trách nhiệm của các địa phương trong việc giám sát về an toàn thực phẩm tại địa bàn do mình phụ trách, quản lý. Bên cạnh đó, theo các quy định của Luật và Nghị định số 15 thì các Bộ, các địa phương cũng sẽ là đơn vị giám sát việc công bố các sản phẩm đó. Tôi nghĩ rằng, với các quy định chặt chẽ như vậy sẽ điều chỉnh hành vi hoạt động của doanh nghiệp. Và như phát biểu ban đầu của đồng chí Tổng biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các hoạt động truyền thông để khơi dậy ý thức, lương tâm, trách nhiệm kinh doanh của cá nhân, của doanh nghiệp trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Các khách mời tham dự buổi Tọa đàm